Chỉ báo RSI là một trong những công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến và hữu ích nhất trong giao dịch Forex.
Chỉ báo RSI là một trong những công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến và hữu ích nhất trong giao dịch Forex.
Chỉ báo RSI là gì?
RSI là viết tắt của “Relative Strength Index” - Chỉ số sức mạnh tương đối. Đây là một chỉ báo kỹ thuật dẫn dắt (Leading indicator), thường được sử dụng để nhận biết tình trạng quá mua hoặc quá bán đối với giá của một tài sản.
Trên biểu đồ, chỉ báo RSI hoạt động như một “máy dao động” đo cường độ biến động giá.
Chỉ báo RSI ra đời như thế nào?
Chỉ báo RSI được giới thiệu lần đầu vào năm 1978 bởi J. Welles Wilder. Ông vốn là một kỹ sư cơ khí, nhưng sau đó dấn thân vào lĩnh vực bất động sản ở thập niên sáu mươi. Năm 1972, sau khi bán hết cổ phần của mình cho các cộng sự, ông thu về khoản lợi nhuận hơn 100.000 USD và bắt đầu giao dịch trên thị trường chứng khoán. Chính trong khoảng thời gian này, J. Welles Wilder bắt đầu nghiên cứu và tạo ra một số công cụ dùng để xác định xu hướng giá cổ phiếu, sau đó biên soạn thành các công thức và chỉ số toán học mà các nhà giao dịch có thể sử dụng. RSI là một trong những chỉ số đó.
Chỉ số RSI được tính toán và sử dụng như thế nào?
Trên đồ thị, chỉ số RSI được biểu thị bằng một đường chạy trong biên độ từ 0 đến 100. Đường này được cấu tạo bởi nhiều điểm liên tục với mỗi điểm được tính toán theo công thức sau:
RSI = 100 – 100 / (1 + RS)
Trong đó:
RS = Trung bình X kỳ tăng giá / Trung bình X kỳ mất giá
X mặc định là 14, nhưng con số này có thể được thay đổi tùy theo nhu cầu của các nhà giao dịch
Lưu ý: Bạn không cần phải nhớ công thức này, vì phần mềm giao dịch đã có chức năng tự động tính toán và phác họa chỉ số RSI trên biểu đồ.
Như đã đề cập, chỉ báo RSI được dùng để nhận biết liệu giá của một loại tài sản có đang rời xa khỏi giá trị “thật” của nó. Chỉ báo này đánh giá giá tài sản trên thang điểm từ 0 đến 100 trong một giai đoạn nhất định (mặc định là 14 ngày). Khi đường RSI nằm dưới mức 30, tài sản bị coi là quá bán và giá của nó có khả năng sẽ bật tăng trở lại. Ngược lại, khi đường RSI nằm trên mức 70, tài sản bị coi là quá mua và giá của nó có khả năng sẽ hồi trở lại.
3 cách phổ biến để sử dụng chỉ báo RSI trong giao dịch Forex
Cách 1: Nhận biết tình trạng quá mua/quá bán
RSI có thể được sử dụng để nhận biết tình trạng quá mua/quá bán của một tài sản. Đây là cách sử dụng mặc định của chỉ báo này, và cũng là cách phổ biến nhất.
Một tài sản rơi vào trạng thái quá mua khi đường RSI cắt lên trên mức 70. Ngược lại, một tài sản rơi vào trạng thái quá bán khi đường RSI cắt xuống dưới mức 30.
Để giao dịch với chỉ báo RSI theo cách này, bạn sẽ phải đợi cho đến khi đường RSI bắt đầu ra khỏi vùng quá mua hoặc quá bán. Bạn có thể đặt một lệnh mua khi đường RSI bắt đầu ra khỏi vùng quá mua; ngược lại, bạn có thể đặt một lệnh bán khi đường RSI bắt đầu ra khỏi vùng quá bán.
Đối với thị trường Forex, cách sử dụng này khá hiệu quả trên những đồ thị thời gian dài như ngày hay tuần.
Cách 2: Nhận biết phân kỳ
Phân kỳ là một hiện tượng kỹ thuật rất phổ biến trên thị trường Forex, được biểu thị bằng sự mâu thuẫn giữa diễn biến của giá và chỉ báo dao động. Phân kỳ có thể được chia làm 2 loại chính là Phân kỳ thường và Phân kỳ ẩn.
Phân kỳ thường là loại phân kỳ cảnh báo khả năng đảo chiều của giá trong tương lai.
Phân kỳ ẩn là loại phân kỳ cảnh báo khả năng tiếp diễn của giá trong tương lai.
Chỉ báo RSI có thể giúp bạn tìm ra các hiện tượng phân kỳ trên đồ thị.
Phân kỳ RSI có độ tin cậy khá cao, đặc biệt là trên các đồ thị thời gian dài như 4 giờ, 1 ngày, hay 1 tuần.
Cách 3: Xác nhận xu hướng giá
Chỉ báo RSI còn có thể được kết hợp với một chỉ báo kỹ thuật giúp xác định xu hướng giá (ví dụ: Moving Average) để tạo nên một hệ thống giao dịch theo xu hướng.
Bạn có thể giao dịch theo xu hướng tăng khi:
Giá nằm trên đường Moving Average
Đường RSI nằm trên mức 50 và dưới mức 70
Ngược lại, bạn có thể giao dịch theo xu hướng giảm khi:
Giá nằm dưới đường Moving Average
Đường RSI nằm dưới mức 50 và trên mức 30
Đối với thị trường Forex, các nhà giao dịch thường sử dụng đường Exponential Moving Average 50 ngày (EMA 50) để phác họa xu hướng của một cặp tiền.
Sử dụng chỉ báo RSI để tìm điểm vào lệnh trong các xu hướng dài hạn
Bạn đã biết về kỹ thuật phân tích trên nhiều khung thời gian chưa? Đây là một kỹ thuật rất hiệu quả, cho phép các nhà giao dịch bao quát xu hướng thị trường tốt hơn và tìm ra những điểm vào lệnh có độ tin cậy cao với mức cắt lỗ chặt chẽ hơn.
Các bước để ứng dụng kỹ thuật này với chỉ báo RSI là:
- Dùng đồ thị thời gian dài để xác định xu hướng tổng thể của một cặp tiền. Bạn có thể sử dụng hành động giá, các đường trung bình, hay bất cứ công cụ kỹ thuật xác định xu hướng nào để làm việc này.
- Sau khi xác định xong xu hướng tổng thể, chuyển xuống đồ thị thời gian ngắn hơn và sử dụng chỉ báo RSI để tìm các điểm vào lệnh theo xu hướng tổng thể.
Kỹ thuật này thường được sử dụng trên 2 đồ thị. Các cặp đồ thị được sử dụng phổ biến là W1 – D1 (1 tuần – 1 ngày), D1 – H4 (1 ngày - 4 giờ), và H4 – H1 (4 giờ - 1 giờ).
Trên đồ thị 1 ngày, đường trung bình EMA 50 cho thấy giá đang trong xu hướng giảm. Vì vậy, các nhà giao dịch sẽ sử dụng chỉ báo RSI trên đồ thị 4 giờ để tìm các tín hiệu bán.
Sử dụng chỉ báo RSI như một công cụ phân tích xu hướng
Chỉ báo RSI, về bản chất, là một chỉ báo kỹ thuật dẫn dắt (leading indicator). Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng RSI như một chỉ báo theo sau (lagging indicator) và áp dụng trực tiếp các mô hình giá hay đường xu hướng lên chỉ báo này.
Các lợi thế của phương pháp này là:
- Có tính hệ thống
- Đem lại các tín hiệu có độ tin cậy cao với mức cắt lỗ vô cùng chặt chẽ
- Có thể sử dụng trên nhiều khung thời gian
Để sử dụng chỉ báo RSI theo phương pháp này, bạn sẽ vẽ các đường xu hướng trực tiếp lên chỉ báo RSI. Sau đó, bạn sẽ theo dõi diễn biến của đường RSI cùng với hành động giá để xác định các điểm vào. Nếu giá chạm đường xu hướng trên RSI và có nhiều khả năng bật lại, bạn hãy giao dịch theo đường xu hướng đó. Ngược lại, nếu giá xuyên phá đường xu hướng, hãy tìm các cơ hội giao dịch theo sự xuyên phá của giá (breakout trading).
Các mẹo khi sử dụng phương pháp này là:
- Khi vẽ xu hướng, hãy kết nối các điểm cao/thấp rõ ràng nhất và loại bỏ các điểm mập mờ.
- Nếu đường RSI đi vào vùng quá mua/quá bán, hãy ưu tiên các cơ hội vào lệnh đảo chiều thay vì theo xu hướng.
Lưu ý: Bạn chỉ nên sử dụng phương pháp này khi đã có kinh nghiệm giao dịch vì các xu hướng trên RSI rất dễ gây nhiễu.
Một vài mẹo khi sử dụng RSI trong giao dịch
Mẹo 1: Đừng Đặt Trọn Niềm Tin Vào Các Tín Hiệu Quá Mua Hay Quá Bán
RSI thường được sử dụng để phát hiện tình trạng quá mua hoặc quá bán của một tài sản. Đây là một phương pháp rất hay; tuy nhiên, nó có thể trở nên phản tác dụng khi giá đang trong các xu hướng mạnh và bền vững vì những xu hướng này có thể làm cho đường RSI liên tục trồi sụt trong vùng quá mua/quá bán.
Dưới đây là một ví dụ về góc khuất của phương pháp giao dịch đảo chiều với chỉ báo RSI. Mặc dù đường RSI thông báo tình trạng quá mua, cặp tiền USD/CAD vẫn tiếp tục tăng thêm khoảng 200 pip.
Như vậy, không phải lúc nào giá cũng đảo chiều ngay khi một tài sản rơi vào trạng thái quá mua/quá bán. Nếu bạn sử dụng phương pháp giao dịch đảo chiều, hãy cố gắng tìm kiếm thêm các tín hiệu để xác nhận thông báo của RSI (nến đảo chiều, mô hình giá đảo chiều, v.v.). Bên cạnh đó, hãy mạnh dạn suy nghĩ về việc đặt lệnh theo các xu hướng mạnh bất chấp tín hiệu quá mua/quá bán từ RSI.
Mẹo 2: Đừng Quên Mức 50
Các chỉ báo dao động đều có đường trung tâm. Tuy nhiên, một trong những thiếu sót lớn nhất của các nhà giao dịch là bỏ qua đường này.
Đường trung tâm của chỉ báo RSI chính là mức 50. Đây là một ngưỡng vô cùng quan trọng, thứ có thể giúp bạn nhận diện sự thay đổi trong xu hướng thị trường. Khi đường RSI cắt lên trên mức 50, đà tăng của giá được cho là đang chiếm ưu thế. Ngược lại, khi đường RSI cắt xuống dưới mức 50, đà giảm của giá được cho là đang chiếm ưu thế.
Vì vậy, đừng quên mức 50 của chỉ báo RSI. Mức này có thể mang đến một loạt cơ hội giao dịch tốt nếu bạn biết cách tận dụng nó.
Mẹo 3: Đừng Quên Điều Chỉnh Thông Số Cài Đặt Chỉ Báo
RSI có mức thời gian cài đặt mặc định là 14 – chỉ số RSI sẽ được tính toán dựa trên 14 cây nến gần nhất. Tuy nhiên, mức mặc định này chưa hẳn đã là tốt nhất.
Một số nhà giao dịch ngắn hạn sử dụng mức thời gian nhỏ hơn (ví dụ: RSI 9) để có thể “bắt mạch” các biến động ngắn hạn trên thị trường. Trong khi đó, các nhà giao dịch dài hạn thường sử dụng mức thời gian lớn hơn (ví dụ: RSI 25) để tìm kiếm các tín hiệu giao dịch dài hạn đáng tin cậy hơn.
Mức thời gian cài đặt càng ngắn, đường RSI sẽ càng trở nên biến động hơn. Chính vì vậy, bạn hãy nhớ điều chỉnh mức thời gian phù hợp với phương pháp giao dịch của mình.