Phần 1: Phân kỳ là gì? Có những loại phân kỳ nào? Phần 2: Làm thế nào để giao dịch phân kỳ? Phần 3: Các nguyên tắc quan trọng cần ghi nhớ khi giao dịch phân kỳ
Giao dịch phân kỳ là một trong những chiến thuật được sử dụng nhiều nhất bởi các nhà giao dịch ngoại hối. Trong chuỗi bài viết này (gồm 3 phần), các bạn sẽ tìm thấy thông tin về các loại phân kỳ thường gặp trên thị trường, cũng như các phương pháp và nguyên tắc để giao dịch chúng hiệu quả.
1. Phân kỳ là gì?
Phân kỳ là một hiện tượng kỹ thuật không hiếm gặp trên thị trường, được biểu thị bằng sự mâu thuẫn giữa diễn biến của giá và chỉ báo dao động. Các nhà giao dịch theo trường phái phân tích kỹ thuật rất ưa sử dụng phân kỳ vì chúng khá dễ nhận biết và cung cấp các tín hiệu giao dịch có độ chính xác cao.
Các loại phân kỳ
Trên thị trường, phân kỳ được chia thành 2 loại là Phân kỳ thường và Phân kỳ ẩn, trong đó Phân kỳ thường được sử dụng để phát hiện các cơ hội giao dịch đảo chiều, còn Phân kỳ ẩn được sử dụng để phát hiện các cơ hội giao dịch tiếp diễn.
Phân kỳ thường có 2 dạng như sau:
- Phân kỳ thường giá lên là hiện tượng xảy ra khi giá giảm và tạo ra một đáy thấp hơn đáy trước, nhưng chỉ báo dao động lại tạo ra một đáy cao hơn đáy trước của nó. Dạng phân kỳ này cảnh báo sự suy yếu của một xu hướng giảm.
- Phân kỳ thường giá xuống là hiện tượng xảy ra khi giá tăng và tạo ra một đỉnh cao hơn đỉnh trước, nhưng chỉ báo dao động lại tạo ra một đỉnh thấp hơn đỉnh trước của nó. Dạng phân kỳ này cảnh báo sự suy yếu của một xu hướng tăng.
Phân kỳ ẩn cũng có 2 dạng như sau:
- Phân kỳ ẩn giá lên là hiện tượng xảy ra khi giá tăng và tạo ra một đáy cao hơn đáy trước, nhưng chỉ báo dao động lại tạo ra một đáy thấp hơn đáy trước của nó. Dạng phân kỳ này thông báo khả năng tiếp diễn của một xu hướng tăng.
- Phân kỳ ẩn giá xuống là hiện tượng xảy ra khi giá giảm và tạo ra một đỉnh thấp hơn đỉnh trước, nhưng chỉ báo dao động lại tạo ra một đỉnh cao hơn đỉnh trước của nó. Dạng phân kỳ này thông báo khả năng tiếp diễn của một xu hướng giảm.
2. Chỉ báo dao động phổ biến để phát hiện phân kỳ
Là một nhà giao dịch ngoại hối, chắc bạn cũng không còn cảm thấy lạ lẫm khi nhắc tới Chỉ số sức mạnh tương đối (Relative Strength Index) và Chỉ báo dao động ngẫu nhiên (Stochastic Oscillator). Đây là 2 chỉ báo dao động vô cùng phổ biến trên thị trường Forex, được sử dụng để phân tích độ mạnh, yếu của các bước sóng.
Dưới đây là cách để giao dịch phân kỳ với các chỉ báo dao động này.
2.1. Relative Strength Index (RSI)
Được phát minh bởi J. Welles Wilder vào năm 1978, RSI có lẽ là chỉ báo dao động được sử dụng rộng rãi nhất bởi các nhà giao dịch Forex tính đến thời điểm hiện tại. RSI thuộc nhóm chỉ báo kỹ thuật dẫn dắt (Leading Indicator) và thường được dùng để nhận biết tình trạng quá mua hoặc quá bán đối với giá của một tài sản.
Để tìm hiểu thêm về chỉ báo RSI, bạn hãy tham khảo chuỗi bài viết “Toàn Tập Về Chỉ Báo RSI” nhé
Để giao dịch phân kỳ với RSI, trước hết, bạn cần sử dụng RSI để tìm ra các hiện tượng phân kỳ trên đồ thị. Sau khi tìm được phân kỳ, bạn hãy cố gắng chờ đợi các tín hiệu bổ sung như nến đảo chiều/tiếp diễn để đảm bảo độ tin cậy của các cơ hội giao dịch.
Khi vào lệnh, hãy nhớ cài đặt mức cắt lỗ bên trên đỉnh hoặc bên dưới đáy gần nhất. Đối với mức chốt lời, bạn có thể cài đặt theo tỷ lệ 2:1 hoặc 3:1 so với mức cắt lỗ.
Dưới đây là một ví dụ về giao dịch phân kỳ với chỉ báo RSI. Chúng ta có thể thấy giá đã tạo ra đáy (2) thấp hơn đáy (1); tuy nhiên, đáy (2) của RSI lại cao hơn đáy (1) của nó. Như vậy, một phân kỳ thường giá lên đã được phát hiện. Sau khi nến cho thấy tín hiệu tăng khá rõ (mũi tên màu vàng), chúng ta sẽ vào lệnh mua cặp tiền USD/CAD tại đường đứt đoạn màu vàng. Mức cắt lỗ của lệnh được cài đặt tại vị trí của đường đứt đoạn màu đỏ; trong khi đó, mức chốt lời của lệnh được cài đặt tại vị trí của đường đứt đoạn màu xanh (tỷ lệ 2:1 so với mức cắt lỗ).
2.2. Stochastic Oscillator (Stoch)
Chỉ báo dao động Stoch cũng là một trong những “gương mặt thân quen” đối với các nhà giao dịch ngoại hối. Stoch được cấu tạo bởi 2 đường %K và %D, và cũng biến động trong hai biên từ 0 tới 100 giống như RSI.
Cách giao dịch phân kỳ với Stoch cũng tương tự như với RSI: bạn sử dụng Stoch để tìm ra các hiện tượng phân kỳ trên đồ thị, sau đó chờ đợi các tín hiệu bổ sung và vào lệnh. Cách cài đặt mức cắt lỗ/chốt lời cũng tương tự như trên.
Dưới đây là một ví dụ về giao dịch phân kỳ với chỉ báo Stoch. Chúng ta có thể thấy giá đã tạo ra đỉnh (2) thấp hơn đỉnh (1); tuy nhiên, đỉnh (2) của Stoch lại cao hơn đỉnh (1) của nó. Như vậy, một phân kỳ ẩn giá xuống đã được phát hiện. Sau khi nến cho thấy tín hiệu giảm khá rõ (mũi tên màu vàng), chúng ta sẽ vào lệnh bán cặp tiền USD/JPY tại đường đứt đoạn màu vàng. Mức cắt lỗ của lệnh được cài đặt tại vị trí của đường đứt đoạn màu đỏ; trong khi đó, mức chốt lời của lệnh được cài đặt tại vị trí của đường đứt đoạn màu xanh (tỷ lệ 2:1 so với mức cắt lỗ).
3. Những nguyên tắc quan trọng cần ghi nhớ khi giao dịch phân kỳ
Nguyên Tắc 1: Đừng Đánh Bạc Với Phân Kỳ
Phân kỳ cung cấp cho các nhà giao dịch những tín hiệu rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, cũng như mọi chỉ báo khác, phân kỳ không thể cung cấp tín hiệu chính xác 100%. Trong một vài trường hợp, sự xuất hiện của phân kỳ trong xu hướng không đồng nghĩa với việc xu hướng đó sẽ kết thúc hay tiếp diễn ngay lập tức.
Dưới đây là một ví dụ về góc tối của phân kỳ. Sự xuất hiện của một phân kỳ thường giá xuống khiến nhiều nhà giao dịch cho rằng tỷ giá EUR/USD sẽ quay đầu giảm. Tuy nhiên, cặp tiền này sau đó đã tăng mạnh và khiến những người đặt lệnh bán sập bẫy.
Chính vì vậy, đừng đánh cược toàn bộ tiền vào phân kỳ. Bạn cần hiểu rằng các tín hiệu dù có chắc ăn tới đâu, thì cách quản lý vốn trong giao dịch mới là thứ quyết định kết quả trong dài hạn của bạn.
Nguyên Tắc 2: Đừng Hành Động Quá Vội Vàng
Giao dịch phân kỳ quá vội vàng là một trong những lý do khiến nhiều nhà giao dịch thua lỗ. Sự vội vàng ở đây có thể là:
- Không chú trọng đến hình dáng của phân kỳ trông có rõ ràng hay không
- Không chờ đợi các tín hiệu xác nhận phân kỳ (nến, mô hình giá, v.v.)
- Không để tâm tới các kháng cự, hỗ trợ, hay xu hướng
Độ chính xác của một phân kỳ phụ thuộc vào 3 yếu tố: hình thái rõ ràng, có tín hiệu xác nhận từ giá, và có sự ủng hộ từ các kháng cự/hỗ trợ/đường xu hướng. Để tìm ra những phân kỳ có độ chính xác cao, bạn nên dựa vào cả 3 yếu tố trên. Đừng hành động nếu tín hiệu phân kỳ của bạn hình thành trong một vùng giá hẹp, vì đó có thể chỉ là một cái bẫy!
Nguyên Tắc 3: Không Nên Giao Dịch Phân Kỳ Trên Các Đồ Thị Quá Ngắn Hạn
Khung thời gian giao dịch cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tín hiệu phân kỳ. Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia, các phân kỳ xuất hiện trên những đồ thị thời gian dài như ngày, tuần hay tháng thường có độ tin cậy cao hơn rất nhiều so với các phân kỳ trên những đồ thị thời gian ngắn như 5 phút, 15 phút hay 30 phút.
Chính vì vậy, khi giao dịch phân kỳ, hãy cố gắng sử dụng những khung thời gian dài (4 giờ, ngày, tuần, hoặc tháng). Bạn có thể sử dụng khung thời gian 1 giờ nếu là một nhà giao dịch trung hạn; tuy nhiên, điều này không được khuyến khích.
Vậy là chúng ta đã hoàn thành 3 phần của chuỗi bài viết về giao dịch phân kỳ. Đừng quên cập nhật các bài viết mới về giao dịch Forex trên Đồng Coin nhé!